Một Số Vấn Đề Chung Về Hợp Đồng Xây Dựng (Phần 1)

Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Hợp đồng xây dựng bao gồm nhiều loại khác nhau, tương ứng với các giai đoạn và công việc trong quá trình xây dựng một công trình. Tuy nhiên, dù là loại hợp đồng nào cũng cần tuân thủ một số vấn đề pháp lý cơ bản là nền tảng của hợp đồng xây dựng.

Tóm tắt nội dung

i. căn cứ pháp lý

Hiện nay, hợp đồng xây dựng được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp luật sau:

Luật Xây dựng 2014;

Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;

Thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng;

Thông tư số 08/2016/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng;

Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình;

Thông tư số 30/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình.

Trong đó, Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Thông tư 07/2016/TT-BXD, Thông tư số 08/2016/TT-BXD, Thông tư 09/2016/TT-BXDThông tư số 30/2016/TT-BXD chỉ bắt buộc áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp nhà nước; dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án. Các dự án đầu tư xây dựng khác không bắt buộc, nhưng được khuyến khích áp dụng các văn bản này.

ii. nguyên tắc ký kết và thực hiện

1. Nguyên tắc ký kết

Việc ký kết hợp đồng xây dựng phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:

–   Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;

–   Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;

–   Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;

–   Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

–   Tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nhà thầu liên danh, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh. Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.

–   Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng.

–   Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

–   Giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.

2. Nguyên tắc thực hiện

Hợp đồng xây dựng được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau:

–   Các bên hợp đồng phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng về phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác;

–   Trung thực, hợp tác và đúng pháp luật;

–   Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

iii. hiệu lực của hợp đồng xây dựng

1. Điều kiện có hiệu lực

Hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

–   Người ký kết hợp đồng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

–   Bảo đảm các nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng được nêu tại mục 1, phần II ở trên;

–   Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014.

2. Thời điểm có hiệu lực

Hợp đồng xây dựng có hiệu lực từ thời điểm ký kết hợp đồng hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận.

iv. các loại hợp đồng xây dựng

Hợp đồng xây dựng thường được phân loại theo một trong ba tiêu chí:

–   Tính chất, nội dung công việc;

–   Giá hợp đồng;

–   Mối quan hệ giữa các bên tham gia hợp đồng.

Thông tin chi tiết về việc phân loại và các loại hợp đồng xây dựng cụ thể, tham khảo tại bài viết Các loại hợp đồng xây dựng.

v. nội dung hợp đồng xây dựng

Hợp đồng xây dựng gồm các nội dung sau:

–   Căn cứ pháp lý áp dụng;

–   Ngôn ngữ áp dụng: Ngôn ngữ sử dụng cho hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Đối với hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn; trường hợp không thỏa thuận được thì sử dụng tiếng Anh.

–   Nội dung và khối lượng công việc: Nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng xây dựng là những nội dung, khối lượng công việc mà bên giao thầu ký kết với bên nhận thầu phù hợp với phạm vi công việc của hợp đồng và phải được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng. Phạm vi công việc được xác định căn cứ vào hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất, các biên bản đàm phán và các văn bản pháp lý có liên quan. Tùy theo loại hợp đồng xây dựng cụ thể, phạm vi công việc thực hiện sẽ được xác định khác nhau.

–   Chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu và bàn giao:

+  Đối với chất lượng sản phẩm của hợp đồng xây dựng: Chất lượng sản phẩm của hợp đồng xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng, tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định của pháp luật. Các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận trong hợp đồng về quy chuẩn, tiêu chuẩn (tiêu chuẩn và quy chuẩn Quốc gia), chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm của hợp đồng xây dựng. Đối với thiết bị, hàng hóa nhập khẩu còn phải quy định về nguồn gốc, xuất xứ.

+  Đối với nhiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành:

~  Các thỏa thuận về quy trình nghiệm thu, bàn giao của các bên tham gia hợp đồng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

~  Các công việc cần nghiệm thu, bàn giao; căn cứ nghiệm thu, bàn giao; quy trình, thời điểm nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành; thành phần nhân sự tham gia nghiệm thu, bàn giao; biểu mẫu nghiệm thu, bàn giao; các quy định về người ký, các biên bản, tài liệu nghiệm thu, bàn giao phải đúng với quy định của pháp luật và được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

~  Các bên chỉ được nghiệm thu, bàn giao các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định;

~  Đối với những công việc theo yêu cầu phải được nghiệm thu trước khi chuyển qua các công việc khác, bên nhận thầu phải thông báo trước cho bên giao thầu để nghiệm thu theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

~  Đối với các sản phẩm sai sót (chưa bảo đảm yêu cầu của hợp đồng) thì phải được sửa chữa, trường hợp không sửa chữa được thì phải loại bỏ. Bên nào gây ra sai sót thì bên đó phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến sửa chữa, kiểm định lại và các chi phí khác liên quan đến việc khắc phục sai sót, cũng như tiến độ thực hiện hợp đồng.

–  Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng: Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng đã ký. Bên nhận thầu có trách nhiệm lập tiến độ chi tiết thực hiện hợp đồng trình bên giao thầu chấp thuận để làm căn cứ thực hiện, trong đó cần thể hiện rõ các mốc hoàn thành, bàn giao các công việc, sản phẩm chủ yếu.

–  Giá hợp đồng, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán và thanh toán hợp đồng xây dựng;

–  Bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng: Vấn đề bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng được quy định cụ thể tại Điều 16 và Khoản 4 Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP.

–  Điều chỉnh hợp đồng xây dựng: Xem chi tiết về điều chỉnh hợp đồng xây dựng tại bài viết Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (Phần 2).

–  Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng: Tùy thuộc vào từng loại hợp đồng xây dựng cụ thể, mỗi bên tham gia hợp đồng xây dựng sẽ có các quyền, nghĩa vụ khác nhau. Nội dung chi tiết về các quyền, nghĩa vụ được pháp luật quy định từ Điều 24 đến Điều 34 Nghị định 37/2015/NĐ-CP.

–  Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thưởng và phạt vi phạm hợp đồng: Xem chi tiết về thưởng, phạt và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng tại bài viết Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (Phần 2).

–  Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng: Xem chi tiết về tạm dừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng tại bài viết Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (Phần 2).

–  Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng: Xem chi tiết về giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng tại bài viết Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (Phần 2).

–  Rủi ro và bất khả kháng:

+  Rủi ro là nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng trong tương lai. Trong hợp đồng xây dựng các bên phải quy định trách nhiệm của mỗi bên về quản lý và xử lý rủi ro của mình; trách nhiệm khắc phục hậu quả của mỗi bên trong trường hợp gặp rủi ro.

+  Bất khả kháng là một sự kiện rủi ro xảy ra một cách khách quan không thể lường trước khi ký kết hợp đồng xây dựng và không thể khắc phục được khi nó xảy ra mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như: Thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác.

Trong hợp đồng các bên phải thỏa thuận về việc xử lý bất khả kháng như: Thông báo về bất khả kháng; trách nhiệm của các bên đối với bất khả kháng; chấm dứt và thanh toán hợp đồng xây dựng trong trường hợp bất khả kháng (nếu có).

–  Quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng: Xem chi tiết về quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng tại bài viết Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (Phần 2).

–  Các nội dung khác: Ngoài các nội dung trên, hợp đồng xây dựng có thể quy định về các vấn đề: bảo hiểm và bảo hành, hợp đồng thầu phụ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; điện, nước và an ninh công trường; vận chuyển thiết bị công nghệ;…

Xem thêm các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng xây dựng:

Các loại hợp đồng xây dựng;

Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (Phần 2);

Một số vấn đề về hợp đồng thi công xây dựng.

Vui lòng liên hệ với LTS LAW để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.

Liên hệ LTS LAW