Một số điểm khác biệt cơ bản giữa công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài mới nhất (năm 2020)
Để Quý Khách hàng hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong việc thành lập, quản lý, hoạt động của công ty 100% vốn trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài, Công ty Luật LTS LAW xin liệt kê một số điểm khác biệt cơ bản để Quý Khách hàng tham khảo và mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho Quý Khách hàng trong việc áp dụng vào công việc kinh doanh của mình.
Thứ nhất, về yếu tố sở hữu nước ngoài trong vốn điều lệ
Công ty 100% vốn trong nước là công ty mà cổ phần hoặc phần vốn góp được sở hữu toàn bộ bởi các cá nhân Việt Nam, công ty có 100% vốn trong nước, hoặc bởi công ty Việt Nam có phần vốn góp, cổ phần do phía nước ngoài nắm giữ dưới 51% trong vốn điều lệ.
Trong khi đó, công ty có vốn đầu tư nước ngoài là công ty có tối thiểu 1% (hoặc có thể ít hơn) cổ phần hoặc vốn góp được nắm giữ trực tiếp bởi cá nhân, tổ chức có quốc tịch nước ngoài hoặc bởi công ty Việt Nam có phần vốn góp, cổ phần do phía nước ngoài nắm giữ từ 51% trở lên trong vốn điều lệ.
Thứ hai, về quyền tự do hoạt động kinh doanh
Công ty 100% vốn đầu tư trong nước được tự do thực hiện các hoạt động kinh doanh trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề bị cấm kinh doanh.
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi các ngành nghề kinh doanh đã được đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đầu tư. Việc đăng ký các nghành nghề kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng phải tuân theo cam kết mở cửa thị trường thương mại dịch vụ của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (WTO, FTAs, AFAS,…) hoặc theo quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam.
Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như bán lẻ, giáo dục, dạy nghề,… công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện rất khắc khe trước khi được cấp phép kinh doanh (Giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ, giấy phép thành lập cơ sở giáo dục)…
Thứ ba, về yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm
Khác với công ty 100% vốn trong nước (không phải là công ty đại chúng, niêm yết), công ty có vốn đầu tư nước ngoài không phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp (Cục thuế) và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Thứ tư, về yêu cầu nộp báo cáo hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài
Khác với công ty 100% vốn đầu tư trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải lập và nộp định kỳ báo cáo cáo hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT).
Thứ năm, về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Khác với công 100% vốn đầu tư trong nước, chỉ có công ty có vốn đầu tư nước ngoài mới được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cho cổ đông, thành viên nước ngoài. Việc chuyển lợi nhuận phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, ví dụ phải không có lỗ luỹ kế, phải có báo cáo tài chính đã được kiểm toán
Thứ sáu, về tiêu chuẩn quản trị và tuân thủ
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài có tiêu chuẩn quản trị và tuân thủ cao hơn công ty 100% vốn trong nước. Sự khác biệt này thường xuất phát từ việc các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia có nền kinh tế và pháp luật phát triển và các nhà đầu tư này khi đầu tư tại Việt Nam không những phải tuân thủ các quy định và văn hoá quản trị của Việt Nam và còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật và văn hoá quản trị tại quốc gia sở tại của Nhà đầu tư.
Thứ 7, về chi phí thành lập và tuân thủ
Xuất phát từ tiêu chuẩn quản trị và tuân thủ khác nhau, nên chi phí thành lập và tuân thủ của công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung thường cao hơn so với chi phí tương tự của các công ty trong nước.
Có thể khẳng định việc thành lập, tổ chức quản lý công ty 100% vốn trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài không có nhiều khác biệt. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam không có sự phân biệt đối xử đối giữa hai loại công ty này ngoại trừ việc công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế hơn rất nhiều trong việc tự do lựa chọn và đăng ký ngành nghề kinh doanh.
LIÊN HỆ VỚI LTS LAW ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN
Tổng đài tư vấn 0902 798 066