6 Điều Nên Biết Trước Khi Ký Kết Thỏa Thuận Cổ Đông Tại Việt Nam

Thỏa thuận cổ đông là thỏa thuận giữa các chủ sở hữu của công ty (cổ đông đối với công ty cổ phần hoặc thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh) về việc vận hành, quản lý công ty và quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ sở hữu trong công ty đó. Mặc dù pháp luật Việt Nam không quy định và điều chỉnh cụ thể đối với loại thỏa thuận này, nhưng trên thực tế, việc ký và tham gia các thỏa thuận cổ đông diễn ra rất phổ biến. Công ty Luật LTS LAW xin chia sẻ một số kinh nghiệm và các vấn đề cần lưu ý liên quan đến việc soạn thảo, ký kết, tham gia thỏa thuận cổ đông ở Việt Nam để quý khách hàng có thể hiểu rõ hơn và hạn chế các rủi ro khi tham gia vào các thỏa thuận này.

I. Vì sao nên ký kết thỏa thuận cổ đông?

Về mặt pháp lý, thỏa thuận cổ đông không phải là một tài liệu bắt buộc. Việc quản lý nội bộ công ty, quyền, nghĩa vụ giữa các cổ đông thường được quy định bởi Điều lệ công ty. Tuy nhiên, việc có một thỏa thuận cổ đông giữa các cổ đông, thành viên công ty vẫn là điều cần thiết, bởi vì:

  • Điều lệ công ty thường phải công khai trong khi thỏa thuận cổ đông được giữ bảo mật giữa các cổ đông. Điều này giúp cho các cổ đông giữ bí mật các thỏa thuận riêng tư mà không muốn cho bên thứ ba biết đến.
  • Thỏa thuận cổ đông đi sâu vào xử lý mối quan hệ giữa các cổ đông, thuận tiện cho các bên quy định các quyền, nghã vụ mang tính riêng tư giữa các cổ đông (ví dụ như quyền ưu tiên mua cổ phần, phần vốn góp khi một bên chào bán hay chuyển nhượng, thỏa thuận về chống cạnh tranh…) trong khi Điều lệ thường hướng đến việc thiết lập các quy định tạo ra trật tự chung trong công ty.
  • Việc tham gia thỏa thuận cổ đông cũng là một cách để cổ đông thiểu số bảo vệ mình. Thông qua thỏa thuận cổ đông, cổ đông thiểu số có thể trao đổi, thương lượng và đề nghị ghi nhận ngay từ đầu các quyền lợi của mình liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp, phủ quyết đối với những vấn đề quan trọng….

II. Căn cứ pháp lý để xác lập thỏa thuận cổ đông ở Việt Nam

Pháp luật về doanh nghiệp hiện hành không quy định, điều chỉnh cụ thể về thỏa thuận cổ đông. Thỏa thuận cổ đông được coi là một loại hợp đồng điều chỉnh bởi quy định của pháp luật dân sự, mà cụ thể là Bộ luật Dân sự 2015. Bởi vậy, các nội dung của thỏa thuận cổ đông cần tuân thủ các quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, thành viên trong công ty. Do vậy, khi soạn thảo hoặc tham gia thỏa thuận cổ đông, các cổ đông, thành viên công ty cũng cần lưu ý nội dung của thỏa thuận không được trái với các quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014.

III. Chủ thể nào được phép giao kết, tham gia thỏa thuận cổ đông ở Việt Nam?

Đa số các thỏa thuận của cổ đông được ký kết từ thời điểm chuẩn bị thành lập công ty. Đối với các thỏa thuận này, các chủ thể đáp ứng được các điều kiện pháp lý để có thể thành lập doanh nghiệp thì có thể giao kết, tham gia thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận cổ đông được xác lập hoặc điều chỉnh lại tại một thời điểm sau khi công ty đã thành lập, các cổ đông của công ty sẽ là chủ thể của thỏa thuận này.

IV. Hình thức và ngôn ngữ thỏa thuận cổ đông

Mặc dù pháp luật không quy định, tuy nhiên, để ghi nhận một cách chắc chắn và đảm bảo cơ sở để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, thỏa thuận cổ đông nên được lập bằng văn bản. Đồng thời, thỏa thuận nên được lập bằng ngôn ngữ thông dụng đối với các cổ đông để đảm bảo các cổ đông tham gia thỏa thuận đều hiểu đúng, đủ và tự nguyện tham gia với các nội dung được ghi nhận trong thỏa thuận. Trường hợp các cổ đông đến từ các quốc gia khác nhau, quý khách hàng có thể lập thỏa thuận với các ngôn ngữ khác nhau.

Liên hệ với Luật sư hợp đồng của LTS LAW để được hỗ trợ soạn thỏa thỏa thuận cổ đông song ngữ nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của các cổ đông

V. Nội dung chính của thỏa thuận cổ đông

Các điều khoản của thỏa thuận cổ đông do các bên tự thương lượng và quy định trên cơ sở tuân thủ các quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định liên quan. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của luật sư LTS LAW, các nội dung chủ yếu thường được đưa vào thỏa thuận cổ đông gồm có:

  • Mục đích và phạm vi điều chỉnh của thỏa thuận;
  • Cơ cấu vốn góp hoặc cổ phần trong công ty;
  • Việc bổ nhiệm người vào cơ quan quản lý của công ty;
  • Phân bổ lợi nhuận và rủi ro;
  • Vấn đề chuyển nhượng vốn, thoái vốn;
  • Điều khoản bảo vệ cổ đông thiểu số;
  • Điều khoản không cạnh tranh;
  • Điều khoản bảo mật
  • Một số điều khoản khác liên quan.

VI. Hiệu lực của thỏa thuận cổ đông

Thỏa thuận cổ đông sẽ có hiệu lực theo thỏa thuận của các bên. Thông thường, một thỏa thuận cổ đông sẽ có hiệu lực từ ngày ký cho đến khi các cổ đông ký thỏa thuận đó không còn đầu tư kinh doanh chung nữa.

Quý khách hàng có thắc mắc hoặc nhu cầu tư vấn thêm về thỏa thuận cổ đông, vui lòng liên hệ Công ty luật LTS LAW bằng cách gọi (+84) 938 666 010 hoặc gửi email tới contact@lts.com.vn.