Ngày nay, cùng với sự phát triển của thị trường và hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, việc chuyển giao công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình kinh doanh theo hướng công ty mẹ (ở nước ngoài) và công ty con (ở Việt Nam) hoặc với các công ty kinh doanh nhượng quyền thương mại. Các thỏa thuận, hợp đồng chuyển giao công nghệ là nền tảng pháp lý để các bên thực hiện việc chuyển giao này. Việc có một hợp đồng được soạn thảo tốt, với những điều khoản phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ chuyển giao diễn ra tốt đẹp và hạn chế các tranh chấp liên quan. Vì vậy, Công ty Luật LTS LAW xin gửi đến quý khách hàng một số nội dung cần lưu ý liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:
I. Căn cứ pháp lý để ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ ở Việt Nam?
Hoạt động chuyển giao công nghệ là hoạt động đã được pháp luật Việt Nam công nhận và quy định rất cụ thể. Tính đến thời điểm năm 2020, các văn bản đang có hiệu lực điều chỉnh chủ yếu đối với hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam bao gồm:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Thương mại năm 2005;
- Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017;
- Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ 2017;
- Thông tư 02/2018/TT-BKHCN quy định chế độ báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; mẫu văn bản trong hoạt động cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ;
- Và một số văn bản khác có liên quan.
II. Công nghệ nào có thể là đối tượng chuyển giao của hợp đồng chuyển giao công nghệ ở Việt Nam?
Công nghệ có thể được chuyển giao theo hợp đồng chuyển giao công nghệ ở Việt Nam là một hoặc các đối tượng sau đây:
- Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ (trường hợp bí quyết này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản có liên quan);
- Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
- Máy móc, thiết bị đi kèm một trong ba đối tượng nêu trên.
III. Pháp luật Việt Nam có yêu cầu về hình thức và ngôn ngữ của hợp đồng chuyển giao công nghệ không?
Hợp đồng chuyển giao công nghệ ở Việt Nam phải được lập thành văn bản và phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng. Ngôn ngữ trong hợp đồng do các bên tham gia thỏa thuận. Điều này có nghĩa là các bên hoàn toàn có thể thể hiện nội dung hợp đồng theo ngôn ngữ phù hợp với các bên, không nhất thiết phải bằng tiếng Việt.
IV. Hợp đồng chuyển giao công nghệ ở Việt Nam thường có những nội dung nào?
Một hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có những nội dung chủ yếu sau:
- Tên công nghệ được chuyển giao;
- Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm;
- Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ;
- Phương thức chuyển giao công nghệ;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
- Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có);
- Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ;
- Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Cơ quan giải quyết tranh chấp;
- Nội dung khác do các bên thỏa thuận.
V. Thời điểm có hiệu lực và thời hạn của hợp đồng chuyển giao công nghệ?
Thời điểm có hiệu lực và thời hạn của hợp đồng chuyển giao công nghệ đều do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với các công nghệ hạn chế chuyển giao, hợp đồng chuyển giao công nghệ này sẽ có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ. Đối với các hợp đồng thuộc trường hợp phải đăng ký chuyển giao công nghệ, hợp đồng đó sẽ có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; các trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì hợp đồng gia hạn, sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung chuyển giao công nghệ.
VI. Khi nào thì việc chuyển giao công nghệ ở Việt Nam cần đăng ký?
Trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc một trong các trường hợp sau đây phải thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước:
- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Nếu công nghệ chuyển giao không thuộc các trường hợp trên nhưng các bên tham gia chuyển nhượng có nhu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ thì vẫn có thể đăng ký theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Quý khách hàng có thể tìm hiểu thêm về đăng ký chuyển giao công nghệ tại đây.
Hãy liên hệ với LTS LAW để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.
Liên hệ LTS LAW
LIÊN HỆ VỚI LTS LAW ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN
Tổng đài tư vấn 0902 798 066