Thủ Tục Kết Hôn Với Người Nước Ngoài Như Thế Nào?

Cùng với sự phát triển kinh tế, các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng cường giao lưu văn hóa xã hội. Công dân mỗi nước ngày càng có điều kiện tìm hiểu văn hóa, xã hội, con người một quốc gia khác. Theo đó, việc kết hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng trong xã hội hiện đại ngày nay. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, việc kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng.

Vậy, khi một người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài cần phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục như thế nào?

Tóm tắt nội dung

i. điều kiện kết hôn giữa người nước ngoài và người việt nam

Để kết hôn, công dân nước ngoài và công dân Việt Nam đều phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật Việt Nam, người nước ngoài và người Việt Nam phải có giấy chứng nhận độc thân hoặc các giấy tờ khác chứng minh đủ điều kiện kết hôn theo quy định.

Ngoài ra, người nước ngoài phải có mặt tại thời điểm đăng ký kết hôn.

ii. hồ sơ đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài và người việt nam

Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài và người Việt Nam gồm:

–  Tờ khai đăng ký kết hôn;

–  Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (giấy tờ đi lại quốc tế, thẻ cư trú) của người nước ngoài;

–  Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của công dân Việt Nam;

–  Giấy xác nhận độc thân của công dân Việt Nam do Ủy ban nhân dân phường nơi cư trú cấp;

–  Giấy tờ còn hiệu lực chứng minh người nước ngoài đang độc thân hoặc giấy tờ khác xác nhận người nước ngoài đủ điều kiện đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp. (Trường hợp Giấy xác nhận không ghi thời hạn, giấy này sẽ có hiệu lực trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp);

–  Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Các giấy tờ của các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và công chứng bản dịch Tiếng Việt theo quy định pháp luật Việt Nam.

Ngoài các giấy tờ nêu trên, người Việt Nam phải cung cấp thêm các giấy tờ sau nếu:

–  Người Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, người Việt Nam phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ ly hôn hoặc hủy kết hôn theo quy định pháp luật;

–  Người Việt Nam là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định.

iii. cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Ủy ban nhân dân cấp Quận/ Huyện nơi cư trú của người Việt Nam; hoặc

Ủy ban nhân dân cấp Quận/ Huyện nơi cư trú của người nước ngoài.

iv. thủ tục đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài và người việt nam

Người nước ngoài và người Việt Nam nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp Quận/ huyện nơi cư trú.

Tại thời điểm nộp hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra hồ sơ, tiếp nhận và hẹn lịch phỏng vấn nếu hồ sơ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hợp lệ theo quy định pháp luật.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và xác minh điều kiện kết hôn giữa người nước ngoài và người Việt Nam. Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Khi đăng ký kết hôn, người nước ngoài và người Việt Nam phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày chấp thuận đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài và người Việt Nam, Cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

v. gia hạn thời gian trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Trong trường hợp người nước ngoài và người Việt Nam không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, các bên phải gửi đề nghị bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ gia hạn thời hạn trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được ký.

Sau 60 ngày được gia hạn, nếu các bên không đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, người nước ngoài và người Việt Nam phải thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn lại theo quy định pháp luật Việt Nam.

Vui lòng liên hệ với LTS LAW để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.

Liên hệ LTS LAW