Thủ Tục Gia Hạn Tiến Độ Góp Vốn Cho Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Tại Việt Nam

Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các nhà đầu tư sẽ tiến hành góp vốn thông qua tài khoản đầu tư trực tiếp tại Ngân hàng trong thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu quá thời hạn góp vốn theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Ngân hàng sẽ từ chối nhận vốn đầu tư và Công ty sẽ không thể nhận được nguồn vốn đầu tư để tiến hành các hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19), Nhà đầu tư có thể sẽ không thể góp vốn đúng tiến độ như dự kiến. Do đó, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ góp vốn. LTS LAW sẽ cung cấp các quy định, trình tự, thủ tục và dịch vụ liên quan đến gia hạn vốn góp của Công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Tóm tắt nội dung

i. thành phần hồ sơ

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư (áp dụng cho điều chỉnh dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư) 
  • Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư (Điều 33, 34, 35, 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP
  • Đề xuất dự án đầu tư (đối với dự án không thuộc diện Quyết định chủ trương đầu tư) 
  • Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư.

ii. trình tự thực hiện

Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh

Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

Bước 4: Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh

iii. mức phạt vi phạm hành chính do chậm góp vốn

Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về Vi phạm các quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Không thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế
  • Không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư
  • Giãn tiến độ thực hiện dự án, giãn tiến độ đầu tư nhưng không đề xuất bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư hoặc có thông báo nhưng chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư

Do đó, nếu nhà đầu tư không thực hiện góp vốn đúng với tiến độ được quy định trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện đóng tiền phạt vi phạm hành chính, đồng thời sẽ phải thực hiện điều chỉnh nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo thủ tục nêu trên.

iv. căn cứ pháp lý

  • Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015
  • Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2015
  • Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 01 năm 2016
  • Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Vui lòng liên hệ với LTS LAW để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.

Liên hệ LTS LAW