Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng do mâu thuẫn trong đời sống nên không sống cùng với nhau nữa, không gặp mặt nhau hoặc một bên vợ hoặc chồng đi làm thuê ở các tỉnh, thành phố khác mà không cho vợ hoặc chồng biết địa chỉ. Đến khi một bên muốn đơn phương ly hôn tại Tòa án thì rất khó khăn trong việc nộp đơn, thụ lý tại Tòa án
Căn cứ Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
” Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”
Theo quy định pháp luật trên, thì Người muốn ly hôn sẽ nộp đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn tại Tòa án Quận/huyện nơi Người còn lại (chồng/vợ) đăng ký hộ khẩu thường trú.
Nhưng trên thực tế, Người còn lại đã không còn sinh sống hay làm việc tại địa bàn Quận/Huyện nơi đăng ký thường trú. Trong trường hợp này, Tòa án thường hướng dẫn Người muốn ly hôn cung cấp địa chỉ mới, thường là nơi tạm trú, nơi làm việc của Người còn lại.
- Trong trường hợp nơi tạm trú, nơi làm việc của Người còn lại cùng địa bàn quận/huyện với nơi đăng ký thường trú thì thẩm quyền Tòa án giải quyết ly hôn sẽ là Tòa án nơi đăng ký thường trú.
- Trong trường hợp nơi tạm trú, nơi làm việc của Người còn lại khác địa bàn Quận/Huyện với nơi đăng ký thường trú thì thẩm quyền Tòa án giải quyết ly hôn sẽ là Tòa án nơi tạm trú, nơi làm việc của Người còn lại.
Cả 02 trường hợp trên, Người nộp đơn có nghĩa vụ phải cung cấp cho Tòa án giấy tờ xác minh của Công an địa phương về địa chỉ mới của Người còn lại đang tạm trú, sinh sống hoặc đang làm việc.
Trường hợp Người nộp đơn không thể cung cấp được xác minh địa chỉ mới của Người còn lại mặc dù biết chính xác địa chỉ đó thì có thể yêu cầu Tòa án yêu cầu thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên đa số trên thực tế xảy ra hiện nay là Người muốn ly hôn không thể cung cấp địa chỉ mới cho Tòa án mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp xác minh, kể cả trường hợp yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập, xác minh địa chỉ mới.
Hướng giải quyết trong trường hợp này như sau: Xác minh thời điểm cuối cùng của Người còn lại không còn ở nơi cư trú, tạm trú.
- Trường hợp Người còn lại không còn sinh sống ở nơi cư trú, tạm trú sau thời điểm Tòa án thụ lý yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn tiếp tục thụ lý và giải quyết theo quy định pháp luật.
- Trường hợp Người còn lại không còn sinh sống ở nơi cư trú, tạm trú trước thời điểm Tòa án thụ lý yêu cầu ly hôn thì Tòa án hiện nay có những cách giải quyết khác nhau:
Tại các khoản 2, 3 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP có hướng dẫn như sau:
“2. Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
3. Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh”.
Tại khoản 5 Điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này”.
Trong trường hợp này, Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường. Trong đó, Người yêu cầu Ly hôn thường phải thực hiện thêm thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc thụ lý giải quyết vụ việc.
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP
“2.Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì tòa án giải quyết như sau:
c) Trường hợp không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này mà tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”.
Theo quy định trên, Tòa án sẽ đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Trong trường hợp này, Người muốn ly hôn có thể chuyển qua thủ tục giải quyết Yêu cầu tuyên bố mất tích một người để có thể giải quyết việc Ly hôn.
Vui lòng liên hệ với LTS LAW để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.
Liên hệ LTS LAW