Hoạt động nhượng quyền thương mại (franchise) là một trong những hình thức kinh doanh cực kỳ phổ biến ngày nay, phù hợp và thuận tiện nhân rộng cho những mô hình kinh doanh theo hướng mở chuỗi, đặc biệt là trong các lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, cà phê, giáo dục,… Tuy nhiên, do đặc thù của thị trường Việt Nam, hoạt động franchise tại Việt Nam trong những năm qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến không phát huy được hết tiềm năng vốn có của loại hình kinh doanh này.
Để góp phần nâng cao nhận thức về mô hình kinh doanh tuy không mới nhưng lại chưa được hiểu và ứng dụng rộng rãi vào thực tế, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ khách hàng (đặc biệt là những khách hàng nước ngoài) trong việc thiết lập hoạt động franchise tại thị trường Việt Nam.
I. Hợp đồng nhượng quyền thương mại (hợp đồng franchise) là gì?
Nếu bạn tra cứu Google, sẽ có rất nhiều định nghĩa về hoạt động nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên về mặt pháp lý, hợp đồng nhượng quyền thương mại là hợp đồng mà theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với điều kiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền, đồng thời bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
II. Căn cứ pháp lý để ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam:
Hoạt động nhượng quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại đã được công nhận và quy định rất cụ thể bởi pháp luật Việt Nam. Các bên tham gia hoạt động franchise phải ký kết hợp đồng bằng văn bản và phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan để được công nhận hiệu lực và thi hành tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm năm 2020, các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực điều chỉnh chủ yếu đối với hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam nói chung và hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng bao gồm:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật Thương mại 2005;
– Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
– Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số nghị định của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương mại;
– Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
– Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
– Và một số văn bản pháp luật có liên quan khác.
III. Hàng hóa dịch vụ nào là đối tượng của nhượng quyền thương mại ở Việt Nam?
Các hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của nhượng quyền thương mại gồm:
– Hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.
– Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.
Có thể nói hầu hết các hàng hoá, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp đều có thể là đối tượng của nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.
IV. Chủ thể nào được phép giao kết, tham gia hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam?
Các công ty trong nước và nước ngoài muốn kinh doanh nhượng quyền thương mại ở Việt Nam (bên nhượng quyền) cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm. Trường hợp công ty Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, công ty Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.
– Nếu bên nhượng quyền là một công ty nước ngoài, công ty đó phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại với đối tác Việt Nam. Nếu bên nhượng quyền là một công ty trong nước, bên đó phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Sở Công thương nơi công ty đặt trụ sở chính.
– Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của nhượng quyền thương mại không vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Bên nhận quyền phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
V. Nội dung chính của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Một hợp đồng nhượng quyền thương mại thường có các điều khoản chủ yếu sau:
– Nội dung của quyền thương mại.
– Quyền, nghĩa vụ của bên nhượng quyền.
– Quyền, nghĩa vụ của bên nhận quyền.
– Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
– Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
– Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh các nội dung nêu trên, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận các điều khoản khác phù hợp với giao dịch của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp và việc bảo vệ các quyền, lợi ích của mình, đồng thời tránh các tranh chấp phát sinh về sau, các bên nên tham vấn ý kiến từ những người có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương. Mại.
Tham khảo dịch vụ soạn thảo, rà soát hợp đồng của LTS LAW tại ĐÂY.
VI. Hình thức và ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại (franchise)
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản và phải bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.
Trên thực tế, đối với các giao dịch nhượng quyền của các công ty nước ngoài vào Việt Nam, các hợp đồng nên được soạn thảo bằng cả tiếng Việt và bằng ngôn ngữ nước ngoài để thuận tiện cho việc giao dịch giữa các bên, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
Quý khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của LTS LAW để được tư vấn soạn thảo hợp đồng nhượng quyền thương mại song ngữ.
VII. Thời điểm có hiệu lực và thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ khi các bên có thoả thuận khác. Riêng đối với nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ (ví dụ: nhãn hiệu, tên thương mại, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh,…), nội dung đó sẽ có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thời hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận. Hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể chấm dứt trước thời hạn thoả thuận trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định pháp luật.
Quý khách hàng có thể theo dõi thêm các thông tin hướng dẫn về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của LTS LAW tại đây.
Quý khách hàng có thắc mắc hoặc nhu cầu tư vấn thêm về hoạt động nhượng quyền thương mại nói chung và hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng, vui lòng liên hệ Công ty luật LTS LAW bằng cách gọi (+84) 938 666 010 hoặc gửi email tới contact@lts.com.vn.