Hợp Đồng Thi Công Xây Dựng Và Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý (Phần 2)

Tóm tắt nội dung

v. Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng thi công

–  Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng thi công đã ký.

–  Bên nhận thầu có trách nhiệm lập tiến độ chi tiết thực hiện hợp đồng trình bên giao thầu chấp thuận để thực hiện, bao gồm:

+  Trình tự, thời gian thực hiện công việc; thời gian thi công cho mỗi giai đoạn chính của công trình, hạng Mục công trình, công trình.

+  Thời gian kiểm tra, kiểm định của các công việc, hạng Mục, công trình;

+  Báo cáo kèm theo gồm: báo cáo chung về phương pháp mà bên nhận thầu dự kiến áp dụng và các giai đoạn chính trong việc thi công công trình; số lượng cán bộ, công nhân và thiết bị của bên nhận thầu cần thiết trên công trình cho mỗi giai đoạn chính. Bên nhận thầu phải thực hiện theo bảng tiến độ thi công chi Tiết sau khi được bên giao thầu chấp thuận.

–  Tiến độ thực hiện hợp đồng phải thể hiện các mốc hoàn thành, bàn giao công việc, sản phẩm chủ yếu.

vi. Giá hợp đồng, tạm ứng và thanh toán hợp đồng thi công

1. Giá hợp đồng

Tùy theo đặc điểm, tính chất và quy mô của từng gói thầu bên giao thầu có thể lựa chọn một trong các hình thức giá hợp đồng, điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng thi công được quy định tại Điều 15 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

–  Giá hợp đồng thi công là khoản kinh phí bên giao thầu cam kết trả cho bên nhận thầu để thực hiện công việc theo yêu cầu về khối lượng, chất lượng, tiến độ, điều kiện thanh toán, tạm ứng hợp đồng và các yêu cầu khác theo thỏa thuận trong hợp đồng thi công.

–  Giá hợp đồng bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện công việc theo hợp đồng, chi phí bản quyền, lợi nhuận của bên nhận thầu và tất cả các khoản thuế liên quan đến công việc theo quy định của pháp luật; trong hợp đồng thi công các bên phải ghi rõ nội dung các khoản chi phí, các loại thuế, phí (nếu có) chưa tính trong giá hợp đồng; giá hợp đồng thi công được Điều chỉnh phải phù hợp với loại giá hợp đồng và phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng; Đối với những hợp đồng thi công các bên có thỏa thuận thanh toán bằng nhiều đồng tiền khác nhau thì phải ghi cụ thể giá hợp đồng tương ứng với từng loại tiền tệ.

–  Nội dung chi phí trong giá hợp đồng thi công có thể bao gồm các chi phí như: chi phí trực tiếp về vật liệu, nhân công, máy thi công; chi phí thiết bị; các chi phí xây lắp khác như chi phí tập kết máy móc, thiết bị phục vụ thi công; chi phí vận chuyển vật tư, máy móc thiết bị thi công đến công trường; chi phí cho biện pháp thi công để hoàn thành công trình; chi phí cấp điện, nước phục vụ thi công; chi phí bảo hiểm của bên nhận thầu và cho bên thứ 3; chi phí thí nghiệm, chạy thử; chi phí bến bãi, kho xưởng; chi phí đảm bảo giao thông; sửa chữa, đền bù đường có sẵn bị hỏng do xe, thiết bị thi công của bên nhận thầu thi công gây ra; các chi phí vệ sinh bảo vệ môi trường, cảnh quan; chi phí đảm bảo an toàn trong quá trình thi công công trình, bao gồm cả an toàn đối với công trình lân cận và các chi phí liên quan khác.

–  Giá thiết bị trong hợp đồng thi công có thể bao gồm các yếu tố: chi phí mua sắm thiết bị; các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật như thuế nhập khẩu, lệ phí hải quan, thuế giá trị gia tăng và các loại phí khác (nếu có); chi phí vận chuyển, bảo hiểm và các chi phí khác có liên quan đến vận chuyển, các chi phí cho dịch vụ kỹ thuật kèm theo để thực hiện gói thầu, hạng Mục công trình, công trình.

–  Giá trị hợp đồng được xác định trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt giá trúng thầu (hoặc chấp thuận giá đề xuất đối với chỉ định thầu) phù hợp với Hồ sơ mời thầu (hoặc Hồ sơ yêu cầu).

2. Tạm ứng hợp đồng thi công

Tạm ứng hợp đồng thi công thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Phương pháp tính toán thu hồi dần tiền tạm ứng do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và đảm bảo các nguyên tắc sau:

–  Việc tính toán, thu hồi dần tiền tạm ứng được thực hiện sau khi bên nhận thầu đã nhận được tiền tạm ứng và thu hồi trong các lần thanh toán;

–  Tiền tạm ứng được thu hồi hết khi thanh toán đạt 80% giá trị hợp đồng đã ký.

–  Đảm bảo phù hợp với hồ sơ hợp đồng thi công.

3. Thanh toán hợp đồng thi công

Việc thanh toán hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:

Số lần thanh toán có thể là 1 hoặc nhiều lần;

Giai đoạn thanh toán có thể theo thời gian (tháng, quý) hoặc theo công việc (bê tông, thép,…), giai đoạn thi công, bộ phận công trình (phần móng, phần thân, phần hoàn thiện, nền đường, mặt đường), hạng mục công trình, công trình;

Thời điểm thanh toán là ngày mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng thi công xây dựng tương ứng với giai đoạn thanh toán;

Hồ sơ thanh toán theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP;

Phương thức thanh toán:

+  Đối với hợp đồng trọn gói: có thể thanh toán bằng tỷ lệ phần trăm của giá hợp đồng tương ứng với mỗi giai đoạn thanh toán hoặc bằng giá trị khối lượng công việc tương ứng trong hợp đồng với mỗi giai đoạn thanh toán:

+  Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định: thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc thực tế hoàn thành (kể cả khối lượng tăng hoặc giảm, nếu có) được nghiệm thu tương ứng với giai đoạn thanh toán nhân với đơn giá trong hợp đồng.

+  Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh: thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc thực tế hoàn thành (kể cả khối lượng tăng hoặc giảm, nếu có) được nghiệm thu tương ứng với giai đoạn thanh toán nhân với đơn giá đã điều chỉnh theo thỏa thuận hợp đồng. Trường hợp trong kỳ thanh toán chưa đủ điều kiện để điều chỉnh đơn giá thì sử dụng đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá đã tạm điều chỉnh để tạm thanh toán. Khi đã đủ điều kiện để xác định đơn giá điều chỉnh thì các bên phải xác định lại giá trị thanh toán cho giai đoạn đó theo đúng đơn giá đã điều chỉnh và thanh toán cho bên nhận thầu.

+  Đối với hợp đồng theo giá kết hợp: việc thanh toán phải thực hiện tương ứng với quy định về thanh toán được quy định đối với từng loại giá hợp đồng nêu trên.

vii. Điều chỉnh hợp đồng thi công

–  Điều chỉnh khối lượng công việc trong hợp đồng thi công theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Điều 10 của Thông tư 09/2016/TT-BXD và các quy định sau:

+  Quá trình thi công gặp bất khả kháng làm thay đổi khối lượng thực hiện hợp đồng thì việc xử lý bất khả kháng thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Thông tư 09/2016/TT-BXD.

+  Đối với hợp đồng trọn gói: trường hợp thay đổi thiết kế xây dựng công trình được chủ đầu tư chấp thuận mà làm thay đổi khối lượng cần thực hiện theo hợp đồng thì phần khối lượng này (tăng, giảm, bổ sung) phải được điều chỉnh tương ứng.

+  Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh: thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 37 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

+  Đối với những khối lượng phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng đã ký mà chưa có đơn giá trong hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng phải thống nhất đơn giá để thực hiện khối lượng công việc này trước khi thực hiện.

–  Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng thi công theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Điều 10 của Thông tư 09/2016/TT-BXD và các quy định sau:

+  Trường hợp thay đổi tiến độ thực hiện hợp đồng do lỗi của bên giao thầu thì bên giao thầu phải gia hạn hợp đồng và chịu các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng (nếu có). Trường hợp thay đổi tiến độ thực hiện hợp đồng do lỗi của bên nhận thầu thì bên nhận thầu phải chịu các chi phí do lỗi của mình gây ra theo thỏa thuận trong hợp đồng (nếu có).

+  Quá trình thi công gặp bất khả kháng làm thay đổi tiến độ thực hiện hợp đồng thì các bên cùng xác định thời gian và tiến độ thực hiện do bất khả kháng làm cơ sở để điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng.

+  Bên nhận thầu được phép điều chỉnh tiến độ chi tiết (theo tuần, tháng, …) nhưng phải phù hợp với tiến độ tổng thể của hợp đồng;

–  Điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng thi công: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.

–  Điều chỉnh các nội dung khác của hợp đồng thi công: Các bên thống nhất điều chỉnh trên cơ sở các thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

viii. Bảo hiểm và bảo hành theo hợp đồng thi công

1. Bảo hiểm

–  Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, Điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Trường hợp, phí bảo hiểm này đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định.

–  Bên nhận thầu phải thực hiện mua các loại bảo hiểm cần thiết (bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm thiết bị, bảo hiểm đối với bên thứ ba, …) để bảo đảm cho hoạt động của mình theo quy định của pháp luật.

2. Bảo hành

–  Bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Các thỏa thuận của các bên hợp đồng về thời hạn bảo hành, mức bảo đảm bảo hành phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng;

–  Bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận, nhưng phải ưu tiên áp dụng hình thức bảo lãnh;

–  Bên nhận thầu chỉ được hoàn trả bảo đảm bảo hành công trình sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành;

–  Trong thời hạn bảo hành, bên nhận thầu phải thực hiện việc bảo hành trong vòng hai mốt (21) ngày kể từ ngày nhận được thông báo sửa chữa của bên giao thầu; trong khoảng thời gian này, nếu bên nhận thầu không tiến hành bảo hành thì bên giao thầu có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa;

–  Thời gian bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng tối thiểu là 24 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp 1; không ít hơn 12 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp còn lại; riêng đối với nhà ở thời gian bảo hành không ít hơn 5 năm.

–  Thời gian bảo hành đối với thiết bị được xác định theo hợp đồng thi công nhưng không ngắn hơn thời gian bảo hành theo quy định của nhà sản xuất và được tính từ khi nghiệm thu hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị.

–  Đối với các hạng mục công trình trong quá trình, thi công có khiếm khuyết về chất lượng công trình hoặc xảy ra sự cố đã được bên nhận thầu sửa chữa, khắc phục thì thời gian bảo hành của các hạng mục công trình này có thể kéo dài hơn trên cơ sở thỏa thuận giữa bên giao thầu và bên nhận thầu trước khi nghiệm thu.

–  Mức bảo đảm bảo hành tối thiểu được quy định như sau:

+  3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp 1;

+  5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại.

–  Bên nhận thầu có quyền từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh không phải do lỗi của bên nhận thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng.

–  Khi kết thúc thời gian bảo hành, bên nhận thầu lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành gửi bên giao thầu. Bên giao thầu có trách nhiệm xác nhận hoàn thành bảo hành cho bên nhận thầu bằng văn bản.

ix. hợp đồng thầu phụ

–  Một hợp đồng thầu chính có thể có nhiều hợp đồng thầu phụ. Khi ký hợp đồng thầu phụ, tổng thầu, nhà thầu chính hoặc nhà thầu nước ngoài phải thực hiện theo các quy định sau:

+  Chỉ được ký kết hợp đồng thầu phụ đúng với năng lực hành nghề, năng lực hoạt động của nhà thầu phụ.

+  Nhà thầu nước ngoài khi thực hiện hợp đồng xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam với vai trò là nhà thầu chính phải sử dụng nhà thầu phụ trong nước đáp ứng được các yêu cầu của gói thầu và chỉ được ký hợp đồng thầu phụ với các nhà thầu phụ nước ngoài khi các nhà thầu phụ trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu. Đối với các vật tư, thiết bị tạm nhập tái xuất phải được quy định cụ thể trong hợp đồng theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng các vật tư, thiết bị trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.

+  Đối với các nhà thầu phụ không có trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng thì phải được chủ đầu tư chấp thuận.

+  Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sai sót của mình và các công việc do các nhà thầu phụ thực hiện.

+  Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện.

Khi thương thảo, ký kết hợp đồng, bên giao thầu và bên nhận thầu phải nêu cụ thể danh sách, phạm vi công việc, giá trị dự kiến giao nhà thầu phụ thực hiện đã đề xuất trong Hồ sơ dự thầu. Khi bổ sung công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc đã được chủ đầu tư chấp thuận, tổng thầu, nhà thầu chính phải báo cáo để chủ đầu tư xem xét, chấp thuận trước khi thực hiện.

–  Nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định (nếu có)

+  Nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định là nhà thầu phụ được chủ đầu tư chỉ định cho nhà thầu chính hoặc tổng thầu thuê làm nhà thầu phụ để thực hiện một số phần việc chuyên ngành có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc khi thầu chính, tổng thầu không đáp ứng được yêu cầu về an toàn, chất lượng và tiến độ thực hiện hợp đồng sau khi chủ đầu tư đã yêu cầu.

+  Đối với các hợp đồng xây dựng áp dụng nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định, thì các bên hợp đồng phải thỏa thuận cụ thể về các tình huống chủ đầu tư được chỉ định nhà thầu phụ;

+  Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có quyền từ chối nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định nếu công việc nhà thầu chính hoặc tổng thầu, thầu phụ đang thực hiện vẫn tuân thủ đúng các thỏa thuận trong hợp đồng hoặc có đầy đủ cơ sở cho rằng nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định không đáp ứng được các yêu cầu theo hợp đồng.

–  Nhà thầu phụ có tất cả các quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu theo quy định của Thông tư 09/2016/TT-BXD và quy định của pháp luật khác có liên quan.

x. rủi ro và bất khả kháng

Rủi ro và bất khả kháng thực hiện theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:

–  Bất khả kháng khác trong thi công xây dựng bao gồm các sự kiện sau: quá trình thi công gặp hang caster, cổ vật, khảo cổ, túi bùn mà khi ký hợp đồng các bên chưa lường hết được.

–  Trách nhiệm của các bên đối với rủi ro:

+  Đối với những rủi ro đã tính trong giá hợp đồng thì khi rủi ro xảy ra bên nhận thầu phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng kinh phí của mình.

+  Đối với những rủi ro đã được mua bảo hiểm thì chi phí khắc phục hậu quả các rủi ro này do đơn vị bảo hiểm chi trả và không được tính vào giá hợp đồng.

+  Bên nhận thầu phải bồi thường và gánh chịu những tổn hại cho bên giao thầu đối với các hỏng hóc, mất mát và các chi phí (bao gồm phí và các chi phí pháp lý) có liên quan do lỗi của mình gây ra.

+  Bên giao thầu phải bồi thường những tổn hại cho bên nhận thầu đối với các thiệt hại, mất mát và chi phí (bao gồm phí và các chi phí pháp lý) liên quan do lỗi của mình gây ra.

–  Thông báo về bất khả kháng

+  Khi một bên gặp phải tình trạng bất khả kháng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trong thời gian sớm nhất, trong thông báo phải nêu rõ các nghĩa vụ, công việc liên quan đến hậu quả của bất khả kháng.

+  Bên thông báo được miễn thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của mình trong thời gian xảy ra bất khả kháng ảnh hưởng đến công việc theo nghĩa vụ hợp đồng.

–  Trách nhiệm của các bên đối với bất khả kháng

+  Nếu bên nhận thầu bị cản trở thực hiện nhiệm vụ của mình theo hợp đồng do bất khả kháng mà đã thông báo theo các Điều Khoản của hợp đồng dẫn đến chậm thực hiện công việc và phát sinh chi phí do bất khả kháng, bên nhận thầu sẽ có quyền đề nghị xử lý như sau:

~  Được kéo dài thời gian do sự chậm trễ theo quy định của Hợp đồng (gia hạn thời gian hoàn thành);

~  Được thanh toán các chi phí phát sinh theo các Điều Khoản quy định trong hợp đồng.

+  Bên giao thầu phải xem xét quyết định các đề nghị của bên nhận thầu.

+  Việc xử lý hậu quả bất khả kháng không áp dụng đối với các nghĩa vụ thanh toán tiền của bất cứ bên nào cho bên kia theo hợp đồng.

–  Chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng, thanh toán, hết trách nhiệm

Nếu việc thực hiện các công việc của hợp đồng bị dừng do bất khả kháng đã được thông báo theo quy định của hợp đồng trong Khoảng thời gian mà tổng số ngày bị dừng lớn hơn số ngày do bất khả kháng đã được thông báo, thì một trong hai bên có quyền gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cho bên kia.

Đối với trường hợp chấm dứt này, bên giao thầu sẽ phải thanh toán cho bên nhận thầu:

–  Các khoản thanh toán cho bất kỳ công việc nào đã được thực hiện mà giá đã được nêu trong hợp đồng;

–  Chi phí cho thiết bị và vật tư được đặt hàng cho công trình đã được chuyển tới cho bên nhận thầu, hoặc những thứ bên nhận thầu có trách nhiệm chấp nhận giao hàng: thiết bị và vật tư này sẽ trở thành tài sản (và là rủi ro) của bên giao thầu khi đã được bên giao thầu thanh toán, và bên nhận thầu sẽ để cho bên giao thầu sử dụng;

xi. Nội dung hướng dẫn áp dụng mẫu hợp đồng thi công

Mẫu hợp đồng thi công công bố kèm theo Thông tư 09/2016/TT-BXD để các tổ chức, cá nhân sử dụng để soạn thảo hợp đồng cho gói thầu thi công xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Trường hợp bên giao thầu là tổng thầu thì các bên vận dụng mẫu hợp đồng đó để thực hiện cho phù hợp.

Xem thêm các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng xây dựng:

Hợp đồng thi công xây dựng và một số vấn đề cần lưu ý (phần 1);

Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (phần 1);

Một số vấn đề chung về hợp đồng xây dựng (phần 2).

Vui lòng liên hệ với LTS LAW để được tư vấn chi tiết và cụ thể hơn.

Liên hệ LTS LAW